Kế thừa và phát triển Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức Tọa đàm Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử.

Thực hiện Kế hoạch số 1401-KH/ Đ ĐQH15 ngày 20/2/2023 của Đảng Đoàn Quốc hội về tuyên truyền Đề cương về văn hóa Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử.

Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS. Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền.

a1-1680093937.jpg
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Văn hóa là căn cốt, nền tảng

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, với mong muốn làm sáng tỏ thêm giá trị thực tiễn và lý luận từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến công cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam hiện nay nói chung cũng như đối với vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam nói riêng, Tọa đàm rất mong nhận được sự chia sẻ, phân tích, hiến kế của các nhà quản lý, nhà lập pháp, nhà lý luận - nhà báo… để sáng tỏ thêm giá trị thực tiễn và lý luận từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến công cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, trước hết, làm rõ hơn về phạm vi văn hóa trong bản Đề cương năm 1943 và tác động đối với trí lực và tri thức của con người Việt Nam. Những việc cần làm nâng cao tầm nhận thức, tri thức và năng lực của người Việt Nam để đấu tranh cách mạng thành công, làm chủ và xây dựng đất nước thoát khỏi ách nô lệ tác động tích cực như thế nào trong công cuộc cách mạng văn hóa giai đoạn này và về sau trong việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và trí thức, năng lực của người Việt từ nghèo nàn, lạc hậu, bị nô dịch, "rũ bùn đứng dậy sáng lòa"?

Tiếp theo, vấn đề nâng cao trí lực và bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam được thể hiện như thế nào qua những mốc phát triển quan trọng trong bổ sung và hoàn thiện Đề cương về văn hóa 1943; vai trò giáo dục trong nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức; những bước kế thừa và phát triển của văn nghệ - lĩnh vực quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc qua các thời kỳ kể từ khi ra đời Đề cương về văn hóa 1943, tác động như thế nào đến trí lực và tri thức con người Việt Nam; những nguyên tắc trong hoạt động văn hóa đề ra từ Đề cương về văn hóa 1943 được ghi nhận thế nào qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội là thứ XIII của Đảng?

Đặc biệt, làm rõ mối quan hệ giữa trí lực và tri thức, tác động thế nào trong chiến lược phát triển văn hóa và con người Việt Nam; hệ giá trị và chuẩn mực con người văn hóa mới có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam; trong bối cảnh khoa học, công nghệ và giáo dục là nhân tố quyết định sự thành bại của quá trình phát triển đất nước, việc nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức đặt vị trí nào trong chiến lược phát triển văn hóa của Đảng và sẽ được giải quyết từng bước như thế nào; giải pháp đưa các nghị quyết về văn hóa, cụ thể là quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa khẩn trương đi vào cuộc sống hiệu quả nhất. Trong đó, vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức sẽ được quan tâm giải quyết như thế nào?

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng văn hóa làm nên phẩm giá, linh hồn, cốt cách của dân tộc, mà không có dân tộc thì không có quốc gia, không có văn hóa thì không có dân tộc. Điều đó càng thấm thía điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021: Văn hóa còn thì dân tộc còn!

Bản Đề cương về văn hóa năm 1943 cho thấy được tầm vóc vĩ đại, tầm chiến lược, thấy được nhu cầu cấp bách của dân tộc ta như thế nào! Đảng đã lựa chọn vấn đề văn hóa là khó nhất, sâu sắc nhất nhưng căn bản nhất. Theo TS Nhị Lê, sự lựa chọn trước tiên về tư tưởng. Thứ hai là học thuật.

"Sáu chữ: dân tộc, khoa học, đại chúng - linh hồn trong bản Đề cương tôi cảm nhận được trong bối cảnh như thế để thấy chân dung văn hóa, nội hàm văn hóa mà bản Đề cương kiến tạo, hoạch định, từng bước tổ chức thực hiện. 6 chữ: Tư tưởng, học thuật, nghệ thuật - đó chính là 3 giềng mối căn bản, gốc rễ để kiến tạo dung mạo, hệ giá trị của toàn bộ sự vận động của nền văn hóa Việt Nam. Sự phát triển này mới từng bước làm nên nấc thang mà sau này chúng ta đạt được... Với cương vị là người nghiên cứu về văn hóa, không bắt đầu từ công cụ để tư duy thì không có khái niệm khoa học nào cả. Một lần nữa tôi khẳng định rằng, chỉ có văn hóa mới đưa chúng ta đi xa, nghĩ dài" - TS Nhị Lê chia sẻ.

a2-1680093937.jpg
Quang cảnh Tọa đàm.

GS. TS. Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Có thể coi bản Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng như một văn kiện, cương lĩnh hành động, như lời hiệu triệu đối với toàn Đảng toàn dân, đặc biệt giới trí thức văn hóa và nghệ sỹ lúc bấy giờ. Ở thời kỳ nào cũng vậy, tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sỹ luôn có tác động quan trọng cả về tinh thần và vật chất đối với phần lớn quần chúng Nhân dân. Cho nên, khi nói phạm vi ảnh hưởng của Đề cương này, phần lớn là quần chúng Nhân dân nhưng trong đó tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sỹ là đáng lưu ý. Quả thực, nếu chúng ta so sánh nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta trước cách mạng và sau cách mạng sẽ thấy một sự đổi đời ghê gớm. Và sự đổi đời đó bắt đầu từ bản Đề cương về văn hóa.

"Bản đề cương về văn hóa của Đảng năm 1943 như một văn kiện quan trọng để chuẩn bị tinh thần cho cuộc cách mạng tháng 8.1945 và mở đầu cho thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ sau này" - GS.TS Trần Văn Bính nhận định.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, ba tính chất về văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng trong quá trình 80 năm qua đã tiếp tục được bổ sung, phát triển. Nhưng những nền tảng cơ bản ban đầu vẫn được giữ vững. Nói xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì trong tiên tiến có khoa học trong đó, nhưng dứt khoát phải đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đậm đà bản sắc dân tộc phải có tính đại chúng trong đó. "Nhìn lại 80 năm qua có thể thấy rằng, chúng ta thực sự may mắn. Từ khi chưa giành được chính quyền đã có Đề cương về văn hóa. Bác Hồ nói trong Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Đến hôm nay, chúng ta tự hào về Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta… Trong giai đoạn khó khăn như thế mà có Đề cương về văn hóa như vậy" - ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý một số những hệ giá trị cơ bản và như thế nếu chúng ta tập trung vào việc xây dựng, quan tâm thì sẽ huy động được nguồn lực của đất nước cũng như tập trung được sự quan tâm của từng cá nhân. Các giải pháp này có thể đến từ chính trị, có thể đến từ kinh tế, từ lĩnh vực này, lĩnh vực kia nhưng quan trọng nhất vẫn phải là từ văn hóa và giáo dục. Trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và sau này được thể hiện rõ nét trong Luật Giáo dục, chúng ta cũng nhấn mạnh rằng, đây là mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, có văn hóa, có sức khỏe hay thẩm mỹ và nghề nghiệp... Điều đó cho thấy chúng ta phải lựa chọn một số giá trị căn bản để từ đó huy động trí lực, huy động sức mạnh của giáo dục và đặc biệt là văn hóa. Và thông qua việc tập trung như thế chúng ta mới có thể huy động sức mạnh cho đất nước trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế vô cùng gay gắt.

"Quốc gia nào không tập trung, không nỗ lực không có được sức mạnh nội sinh của mình bằng chính nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người thì quốc gia đó sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Đó là ý nghĩa của việc cần phải hình thành nên các hệ giá trị và ý nghĩa của việc chúng ta tập trung nguồn lực tập trung giáo dục, tập trung văn hóa cho việc hình thành và triển khai các hệ giá trị này" - PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.

a-3-1680093937.jpg
Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Nâng cao chiến lược bồi dưỡng tri thức ngành Văn hóa

Chia sẻ giải pháp đưa các nghị quyết về văn hóa, cụ thể là quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta về văn hóa khẩn trương đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức sẽ được quan tâm giải quyết như thế nào, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sức mạnh, tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng, đầu tiên, để các giải pháp đi vào thực tiễn là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ tri thức trong giai đoạn hiện nay cũng như các thể chế về chính sách dành cho văn hóa.

Thứ hai, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tin cậy của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững của đất nước và được đặt ngang hàng với chính trị và kinh tế.

Thứ ba, chúng ta cũng đã có rất nhiều chiến lược về văn hóa, về văn hóa đối ngoại, về các Nghị quyết như Nghị quyết 33. Đó là những chiến lược rất cụ thể đã có để ngành văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thể chế các đường lối quan điểm này và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, không để các khoảng trống trong khung khổ pháp lý, hướng tới các lĩnh vực đều có văn bản pháp quy điều chỉnh, đặc biệt là các vấn đề về chính sách đặc thù cho khối văn hóa, nghệ thuật.

Thứ tư, trong quá trình xây dựng, phát triển ngành, cần sự phối hợp, tương quan chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và coi là một nhiệm vụ thường xuyên. Hiện nay Bộ VHTTDL đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để tổ chức các Hội nghị bàn về văn hóa, về cách ứng xử văn hóa, triển khai những mục tiêu để phát triển văn hóa tại các bộ, ngành, địa phương. Qua hơn 1 năm triển khai các ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, có một sự chuyển biến rất mạnh mẽ ở các địa phương cũng như bộ, ban, ngành trong việc đầu tư cho văn hóa cũng như phát triển đội ngũ những người làm văn hóa.

a-4-1680094123.jpg
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết thêm, đối với ngành văn hóa thì việc tiếp tục nâng cao chiến lược bồi dưỡng tri thức cũng được các bộ, ngành đặc biệt là Bộ VHTTDL quan tâm. Việc xây dựng đội ngũ viên chức, công chức, người lao động của ngành phải thực sự am hiểu về lĩnh vực và đến năm 2030 chúng tôi đặt ra có 100% đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về văn hóa nghệ thuật trong các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu đạt chuẩn theo quy định và hội nhập quốc tế.

"Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng luôn đưa ra những mục tiêu như trong ngành phải có khát vọng về cống hiến và quyết tâm xây dựng ngành. Đây là "gốc" để hướng tới việc mỗi cán bộ văn hóa là tiêu biểu cho lối sống về văn hóa. Chúng tôi cũng đặt ra vấn đề hàng đầu là tiếp tục phong trào học tập, làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh" - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL cũng đã hoàn thiện Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành thể thao, du lịch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035; trong đó đặt ra rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tuyển dụng nhân tài, những người có năng khiếu đặc biệt, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng và các chính sách liên quan đến phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ trong cả nước, làm cơ sở cho công tác quy hoạch và định hướng chiến lược của ngành; Triển khai số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong nước cũng như ở nước ngoài, các kế hoạch đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức hiện đang có.... Đó là những việc mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong thời gian tới sẽ hướng đến để nâng cao trí lực, xây dựng đội ngũ trí thức đặc biệt, những người làm công tác văn hóa trong thời kỳ mới.

Hà An